Mục tiêu và chiến lược phát triển

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA KINH TẾ

GIAI ĐOẠN 2022 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2040

 

 

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA KINH TẾ

1. Chức năng, nhiệm vụ của Khoa Kinh tế

Khoa Kinh tế, Trường Đại học Thương mại tiền thân là Khoa Kinh tế thương nghiệp được thành lập từ năm 1960. Trong lịch sử phát triển hơn 60 năm, Khoa Kinh tế đã trải qua nhiều bước ngoặt quan trọng để khẳng định và đáp ứng với quá trình đổi mới và phát triển của Nhà trường, với nhu cầu đào tạo của xã hội. Do yêu cầu về mặt tổ chức và hoàn thiện mô hình quản lý các chuyên ngành đào tạo trong Nhà trường, ngày 18/06/2013 Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại đã ra Quyết định số 338/QĐ-ĐHTM sáp nhập 2 Khoa là Khoa Kinh tế (cũ) và Khoa Luật thương mại thành Khoa Kinh tế - Luật. Trên cơ sở Nghị quyết số 68/NQ - HĐT ngày 31 tháng 10 năm 2022 về việc tách khoa Kinh tế - Luật thành Khoa Luật và Khoa Kinh tế. KHOA KINH TẾ đã trở thành một khoa chuyên ngành độc lập - kế thừa và phát triển tất cả những thành tựu to lớn trước đó. Liên tục các năm học, tập thể các thầy cô giáo và các thế hệ sinh viên, học viên khoa Kinh tế luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Nhà trường giao: Tập thể khoa nhiều năm đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước và các Bộ ngành tặng bằng khen; nhiều cá nhân đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú, “Chiến sĩ thi đua cấp Bộ”, được tặng bằng khen của Thủ tưởng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều Bộ ngành khác. Hiện nay, ngoài bộ phận Văn phòng khoa, Khoa Kinh tế có 02 bộ môn với tổng số 37 CBVC cơ hữu và các giảng viên kiêm nhiệm đang giữ các chức vụ quan trọng trong nhà trường. Hiện nay, ngoài bộ phận Văn phòng khoa, Khoa Kinh tế có 02 bộ môn với tổng số 37 CBVC cơ hữu và các giảng viên kiêm nhiệm đang giữ các chức vụ quan trọng trong nhà trường. Giảng viên cơ hữu của Khoa bao gồm: 01 PGS.TS. GVCC, 01 NGƯT, 14 TS, 20 GVC và nhiều giảng viên kiêm nhiệm là GS, PGS, NGƯT, TS, GVCC, GVC đang kiêm nhiệm các chức vụ quan trọng trong nhà trường.

Khoa được Nhà trường phân công các nhiệm vụ sau:

  • Đề xuất xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, tham gia tổ chức quá trình đào tạo ngành Kinh tế (chuyên ngành Quản lý Kinh tế) và ngành Kinh tế đầu tư (chuyên ngành Kinh tế đầu tư).
  • Quản lý nội dung, phương pháp, chất lượng đào tạo các ngành và chuyên ngành thuộc Khoa quản lý.
  • Tổ chức biên soạn và triển khai chương trình, giáo trình và học phần/môn học, số hóa học liệu giảng dạy, trình độ Đại học và Sau đại học do Hiệu trưởng giao;
  • Tổ chức nghiên cứu cải tiến phương pháp đào tạo, giảng dạy, học tập; đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung, bảo trì thiết bị dạy - học, thực hành, thực tập và thực nghiệm khoa học; phương tiện, học liệu dạy - học,…
  • Chủ trì đề xuất hướng nghiên cứu khoa học, danh mục đề tài Khóa luận tốt nghiệp, luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ các chuyên ngành Quản lý Kinh tế và Kinh tế đầu tư.
  • Tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ, chủ động khai thác các dự án hợp tác về khoa học và công nghệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
  •  Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên của Khoa theo hướng chuẩn hóa, tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội, hội nhập quốc tế.
  • Quản lý viên chức và người học thuộc khoa theo phân cấp của Hiệu trưởng.
  • Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở Khoa, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho viên chức và người học; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho viên chức thuộc Khoa.
  • Tổ chức đánh giá cán bộ quản lý, viên chức và người lao động trong khoa, tham gia đánh giá cán bộ quản lý cấp trên, cán bộ quản lý ngang cấp theo quy định hiện hành;
  • Quản lý công tác tài chính, cơ sở vật chất, tài sản; phân cấp tài chính của đơn vị theo quy định hiện hành của Nhà trường.
  • Phối hợp với các bộ phận chức năng trong trường thực hiện nhiệm vụ được giao.
  • Thực hiện tốt các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Hiệu trưởng.

2. Bối cảnh xây dựng chiến lược

a) Bối cảnh quốc tế và thời đại

-            Xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế và giáo dục đang diễn ra ở quy mô toàn cầu và đã trở thành xu thế tất yếu. Quá trình hội nhập quốc tế đã tạo cơ hội thuận lợi để tiếp cận với các xu thế mới, tri thức mới, những mô hình giáo dục hiện đại, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, tạo thời cơ để phát triển giáo dục đại học. 

-            Sự phát triển của cách mạng khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động của nền kinh tế - xã hội và giáo dục của tất cả các quốc gia trên thế giới. 

-            Giáo dục được coi là nền móng vững chắc để đưa nhân loại tiến lên, là vấn đề sống còn của các quốc gia. Giáo dục đại học trên thế giới phát triển rất nhanh chóng với những xu hướng biểu hiện rõ rệt. Các trường đại học trên thế giới và trong khu vực đã và đang tích cực đổi mới theo hướng đa dạng hoá ngành nghề, đa dạng hoá lĩnh vực đào tạo, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước xã hội, đổi mới nội dung, chương trình và áp dụng các phương pháp đào tạo và quản trị đại học tiên tiến. 

-            Xu hướng đại học mở trên thế giới ngày càng phát triển, cùng với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, giáo dục đại học không còn bị giới hạn bởi không gian, thời gian và có tác động trực tiếp đến giáo dục đại học của các quốc gia. 

b) Bối cảnh trong nước và của ngành giáo dục 

-            Đảng và Nhà nước luôn khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Giáo dục vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. 

-            Định hướng về đổi mới giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng là vai trò của Nhà nước từ kiểm soát trực tiếp sang kiến tạo, giám sát; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, trách nhiệm giải trình đối với cơ sở giáo dục đại học; đổi mới quản trị đại học theo hướng hội nhập với thế giới. 

-            Đổi mới giáo dục đại học cũng đã đạt được một số kết quả quan trọng trong những năm qua, đặc biệt là thực hiện quá trình hội nhập giáo dục đại học với các nước trên thế giới; thực hiện đa dạng hoá trường học về mô hình và sở hữu, đa dạng hóa mục tiêu, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. 

c) Sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, chiến lược phát triển Trường và chức năng nhiệm vụ của đơn vị được Hiệu trường nhà trường phân công

Trường Đại học Thương mại là trường đại học công lập, tự chủ, đa ngành; có thế mạnh và uy tín cao trong đào tạo đại học, sau đại học; nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, tri thức trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại hiện đại đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Với giá trị cốt lõi: Truyền thống, Trách nhiệm và Sáng tạo - Truyền thống; Chiến lược phát triển Trường giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2040; Qui chế tổ chức hoạt động và hoạt động của Trường,… là cơ sở đặc biệt quan trọng để Khoa Kinh tế triển khai xây dựng chiến lược cho đơn vị. 

3. Đánh giá hiện trạng của Khoa Kinh tế

a) Điểm mạnh

-            Là một khoa chuyên ngành có bề dày phát triển hơn 60 năm. Từ khi thành lập đến nay, Khoa Kinh tế luôn khẳng định là một đơn vị có uy tín và đạt nhiều thành tích cao về đào tạo và nghiên cứu khoa học, cũng như về các hoạt động phong trào thi đua trong toàn trường. 

-            Khoa hiện được Nhà trường phân công quản lý và tổ chức thực hiện 2 ngành đào tạo đại học là Kinh tế (gồm chuyên ngành Quản lý Kinh tế và Kinh tế ứng dụng) và Kinh tế đầu tư (chuyên ngành Kinh tế đầu tư); xây dựng chương trình và tham gia đào tạo Chuyên ngành Quản lý kinh tế ở trình độ thạc sĩ và tiến sĩ (theo định hướng ứng dụng và định hướng thực hành). Đây cũng là các chuyên ngành đào tạo luôn được xã hội thừa nhận và đánh giá cao về chất lượng đào tạo ở nước ta hiện nay.

-            Hàng năm, Khoa Kinh tế tuyển sinh với số lượng thí sinh ổn định, điểm tuyển sinh tương đối cao. Hiện tại, số lượng sinh viên trình độ đại học đang theo học tại Khoa Kinh tế là hơn 1.200 sinh viên.

-            Khoa có đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị cao, có năng lực chuyên môn tốt. Hầu hết là các nhà giáo có học hàm, học vị: PGS, TS, giảng viên cao cấp, giảng viên chính. 

-            Để phục vụ hoạt động đào tạo, Khoa Kinh tế luôn coi trọng và tập trung biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy, tham gia các đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ/ cấp tỉnh, tham gia viết Báo cáo thường niên Kinh tế - Thương mại của trường Đại học Thương mại. Trong 5 năm gần đây, Khoa Kinh tế đã chủ trì biên soạn và xuất bản hàng chục giáo trình, sách tham khảo chuyên ngành, một số giảng viên chủ trì nhánh hoặc tham gia với tư cách là thành viên ban chủ nhiệm của 2 đề tài cấp Nhà nước, 12 đề tài khoa học cấp Bộ. Đồng thời, hàng năm các giảng viên của Khoa cũng thực hiện từ 3-5 đề tài khoa học cấp cơ sở. Các đề tài nghiệm thu đều đạt kết quả cao, phục vụ quan trọng cho hoạt động đào tạo và có nhiều ứng dụng trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, những năm vừa qua, các nhà khoa học trong Khoa luôn chú trọng đối với hoạt động công bố khoa học (có từ 40 - 60 bài báo khoa học hàng năm) trên các tạp chí khoa học, kỷ yếu hội thảo quốc gia, quốc tế chuyên ngành uy tín trong và ngoài nước (số bài báo được đăng ở các tạp chí quốc tế thuộc cơ sở dữ liệu Scopus, WOS, ISI ngày càng tăng).

-            Là khoa chuyên ngành luôn dẫn đầu Nhà trường về phong trào hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Với khoảng 40 - 60 đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên có chất lượng mỗi năm, trong đó có nhiều nhóm nghiên cứu của sinh viên đã đạt các giải cấp Bộ, các cuộc thi sáng tạo Eureka. Là đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên.

-            Khoa luôn chú trọng trang bị những kiến thức chuyên ngành được ứng dụng trong thực tế thông qua việc tổ chức các chuyến đi thăm quan thực tế tại các Sở, ban ngành và các doanh nghiệp, cũng như các buổi tọa đàm, trao đổi kiến thức giữa chuyên gia kinh tế, chuyên gia luật học đối với sinh viên toàn Khoa. 

b) Một số điểm cần khắc phục

-            Kết quả hoạt động NCKH, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế còn chưa khai thác tốt. Có những đề tài NCKH chưa được chuyển giao rộng rãi cho cộng đồng và cho xã hội. 

-            Hiện nay, 100% giảng viên đều có trình độ Thạc sĩ trở lên. Tuy nhiên, cơ cấu đội ngũ có trình độ cao còn ở mức khiêm tốn.

-            Chưa tạo dựng và phát huy hiệu quả được các mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế, thương mại ở trung ương và các địa phương.

-            Chưa phát huy hiệu quả các kênh liên kết giữa các cựu sinh viên sau khi ra trường.

-            Nguồn học liệu, và tài liệu giáo trình liên quan đến chương trình đào tạo của Khoa chưa phong phú.

c) Cơ hội

-            Uy tín và thương hiệu của Trường Đại học Thương mại ngày càng được khẳng định trong hệ thống giáo dục đại học trong nước và khu vực; Điều kiện CSVCKT, các nguồn lực về đội ngũ, tài chính,… cơ chế phân cấp tại Trường là những thuận lợi, cơ hội để Khoa Kinh tế tự tin trong quá trình phát triển và hoàn thành nhiệm vụ được Nhà trường giao.

-            Hội nhập quốc tế tạo thời cơ để Khoa tiếp cận với các chương trình nghiên cứu, liên kết đào tạo quốc tế, thông qua đó tiếp cận với các chương trình đào tạo, nghiên cứu tiên tiến và có cơ hội giao lưu hợp tác các chương trình đào tạo quốc tế có chất lượng.

-            Nhu cầu xã hội về đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao khối ngành kinh tế, luật kinh tế đào tạo ở trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ ngày càng cao.

-            Phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, xu hướng thị trường quan tâm nhiều đến ngành kinh tế và luật kinh tế.

d) Thách thức

-            Hội nhập quốc tế trong giáo dục, đào tạo sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh về chất lượng đào tạo, nguồn tuyển sinh, giảng viên trình độ cao.

-            Cạnh tranh gay gắt giữa các trường đào tạo kinh tế trong nước.

-            Áp lực về nguồn tuyển sinh ngày càng lớn.

 

II. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2022 - 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2040

1. Tầm nhìn đến năm 2040

Đến năm 2040, phấn đấu xây dựng Khoa Kinh tế kết hợp với các đơn vị khác trở thành trường Kinh tế trực thuộc Trường Đại học Thương mại, là đơn vị nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và cung ứng dịch vụ về pháp lý và quản lý kinh tế, kinh doanh có chất lượng và uy tín. Trung thành với triết lý giáo dục của đất nước: “nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” và dựa trên những giá trị cốt lõi mà Trường Đại học Thương mại xây dựng là: “Truyền thống, Trách nhiệm và Sáng tạo”.

Góp phần quan trọng xây dựng và khẳng định uy tín và thương hiệu của Trường Đại học Thương mại ngày càng cao không những ở trong nước mà cả ở trong khu vực và trên thế giới. Thực hiện sứ mạng xây dựng Trường Đại học Thương mại là trường đại học công lập, tự chủ, đa ngành; có thế mạnh và uy tín cao trong đào tạo đại học, sau đại học; nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, tri thức trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại hiện đại đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu phát triển giai đoạn 2022-2030

  • Phát triển đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đảm bảo phẩm chất và năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ thực hiện đổi mới ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của Khoa Kinh tế.
  • Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, từng bước đáp ứng theo chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng tốt nhất nhu cầu ngày càng cao của xã hội; Phát triển các chương trình đào tạo (thuộc các ngành đào tạo là Kinh tế, Kinh tế đầu tư, Kinh tế ứng dụng) đáp ứng kịp thời cho nhu cầu phát triển kinh tế và thương mại hội nhập, gắn với sự phát triển của nền kinh tế số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
  • Nâng cao năng lực nghiên cứu của đội ngũ giảng viên; tập trung phát triển một số lĩnh vực nghiên cứu chiến lược, được công nhận ở tầm quốc gia; gắn kết hoạt động NCKH với nâng cao chất lượng đào tạo.
  •  Phát triển quan hệ hợp tác với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, từng bước tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực NCKH, đẩy mạnh hoạt động trao đổi sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu và thu hút sinh viên quốc tế theo học tại Trường. 
  • Chú trọng duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các đơn vị thực tiễn là các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước các cấp nhằm tăng cường phối hợp nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ,…

3. Các giải pháp thực hiện

a) Xây dựng, phát triển đội ngũ

-            Có kế hoạch và chính sách phù hợp trong công tác tuyển dụng và khuyến khích CBVC đi học tập, nghiên cứu các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn ở trong và ngoài nước.

-            Chú trọng hợp tác với các nhà khoa học uy tín trong nước và ngoài nước, các chuyên gia thực tiễn, các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp… tham gia đào tạo và phối hợp nghiên cứu, hội thảo, chuyển giao khoa học - công nghệ.

-            Xây dựng môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp, trách nhiệm và hiệu quả cao trong đơn vị.

b) Giải pháp về tổ chức đào tạo

-            Phát triển chương trình đào tạo tiếp cận CDIO, đáp ứng kịp thời đối với giảng dạy chất lượng cao (giảng dạy đáp ứng nhu cầu xã hội, liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp).

-            Tập trung đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành chuyên sâu cho người học.

-            Nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng phương pháp giảng dạy mới, kiến thức mới, các hướng nghiên cứu mới để tiếp tục phát huy thế mạnh tuyển sinh, thu hút người học của các ngành đào tạo của Khoa.

-            Tăng cường hợp tác, liên kết dưới nhiều hình thức và hoạt động đào tạo với các đơn vị, tổ chức, các cơ sở đào tạo khác trong và ngoài nước.

-            Tạo điều kiện để người học được phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ; thực hiện tốt chế độ, chính sách, thủ tục hành chính cho người học.

c) Về hợp tác và nghiên cứu khoa học

  • Xây dựng các định hướng và nhóm nghiên cứu khoa học xuất phát từ thực tiễn nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp.
  • Đề xuất và thực hiện các hợp đồng nghiên cứu và chuyển giao với các doanh nghiệp, các địa phương, các bộ/ ngành hoặc gắn với đổi mới nội dung chương trình đào tạo và hợp tác quốc tế. 
  •  Gắn triển khai các dự án nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với đào tạo và bồi dưỡng kiến thức nhằm tăng cường năng lực quản lý kinh tế cho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế, thương mại các cấp. 
  • Duy trì và tăng cường tổ chức các cuộc hội thảo các cấp (cấp khoa, trường, quốc gia, quốc tế) để giảng viên, người học có cơ hội trao đổi, học hỏi các nhà khoa học, các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế.

                                                                         Hà Nội, tháng 11 năm 2022

                                                                                                                                                                             TRƯỞNG KHOA

                 PGS.TS. Phan Thế Công  

Xem thêm