Giới thiệu KHOA KINH TẾ
Giới thiệu KHOA KINH TẾ
GIỚI THIỆU VỀ KHOA KINH TẾ
(FACULTY OF ECONOMICS)
Địa chỉ: Tầng 2, phòng 209 nhà F
Trưởng khoa: NGƯT, PGS,TS. Phan Thế Công
THNV Phó trưởng khoa: TS. Vũ Thị Yến.
Email khoa: kinhte@tmu.edu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/kttmu
Website: https://kinhte.tmu.edu.vn/
1. Quá trình hình thành, phát triển Khoa Kinh tế và các chuyên ngành đào tạo
Khoa Kinh tế, Trường Đại học Thương mại tiền thân là Khoa Kinh tế thương nghiệp được thành lập từ năm 1960. Trong lịch sử phát triển hơn 60 năm, Khoa Kinh tế đã trải qua nhiều bước ngoặt quan trọng để khẳng định và đáp ứng với quá trình đổi mới và phát triển của Nhà trường, với nhu cầu đào tạo của xã hội. Do yêu cầu về mặt tổ chức và hoàn thiện mô hình quản lý các chuyên ngành đào tạo trong Nhà trường, ngày 18/06/2013 Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại đã ra Quyết định số 338/QĐ-ĐHTM sáp nhập 2 Khoa là Khoa Kinh tế (cũ) và Khoa Luật thương mại thành Khoa Kinh tế - Luật. Trên cơ sở Nghị quyết số 68/NQ - HĐT ngày 31 tháng 10 năm 2022 về việc tách khoa Kinh tế - Luật thành Khoa Luật và Khoa Kinh tế. KHOA KINH TẾ đã trở thành một khoa chuyên ngành độc lập - kế thừa và phát triển tất cả những thành tựu to lớn trước đó. Liên tục các năm học, tập thể các thầy cô giáo và các thế hệ sinh viên, học viên khoa Kinh tế luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Nhà trường giao: Tập thể khoa nhiều năm đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước và các Bộ ngành tặng bằng khen; nhiều cá nhân đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú, “Chiến sĩ thi đua cấp Bộ”, được tặng bằng khen của Thủ tưởng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều Bộ ngành khác. Hiện nay, ngoài bộ phận Văn phòng khoa, Khoa Kinh tế có 02 bộ môn với tổng số 36 CBVC cơ hữu và 4 giảng viên kiêm nhiệm đang giữ các chức vụ quan trọng trong nhà trường. Hiện nay, ngoài bộ phận Văn phòng khoa, Khoa Kinh tế có 02 bộ môn với tổng số 36 CBVC cơ hữu và các giảng viên kiêm nhiệm đang giữ các chức vụ quan trọng trong nhà trường. Giảng viên cơ hữu của Khoa bao gồm: 02 PGS.TS. GVCC, 02 NGƯT, 21 TS, 20 GVC và nhiều giảng viên kiêm nhiệm là GS, PGS, NGƯT, TS, GVCC, GVC đang kiêm nhiệm các chức vụ quan trọng trong nhà trường.
Khoa được Nhà trường phân công các nhiệm vụ sau:
- Đề xuất với Hiệu trưởng những quan điểm, chủ trương và giải pháp về phát triển Trường;
- Xây dựng và triển khai thực hiện sứ mạng, mục tiêu, định hướng, kế hoạch phát triển dài hạn của Khoa và chương trình đào tạo;
- Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác và các nhiệm vụ được Hiệu trưởng giao;
- Đề xuất xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, tham gia tổ chức quá trình đào tạo một hoặc một số ngành/chuyên ngành trình độ Đại học và Sau đại học thuộc Khoa quản lý;
- Quản lý chất lượng đào tạo và tham gia kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo do Khoa quản lý theo quy định;
- Tổ chức biên soạn và triển khai chương trình, học phần/môn học, thẩm định giáo trình trình độ Đại học và Sau đại học do Hiệu trưởng giao; tổ chức nghiên cứu cải tiến phương pháp đào tạo, giảng dạy, học tập; đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung, bảo trì thiết bị dạy-học, thực hành, thực tập và thực nghiệm khoa học, phương tiện, học liệu dạy-học;
- Chủ trì đề xuất hướng nghiên cứu khoa học, danh mục đề tài Khóa luận tốt nghiệp, luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ;
- Tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ, chủ động khai thác các dự án hợp tác về khoa học và công nghệ;
- Quản lý người học thuộc khoa theo phân cấp của Hiệu trưởng;
- Tổ chức thực hiện công tác quản lý nhân sự thuộc đơn vị theo ủy quyền của Hiệu trưởng, tham gia đánh giá cán bộ quản lý cấp trên, cán bộ quản lý ngang cấp theo quy định hiện hành;
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho viên chức và người học ở Khoa;
- Quản lý công tác hành chính, cơ sở vật chất, tài sản; phân cấp tài chính của đơn vị theo quy định hiện hành;
- Phát triển mối hệ, đối tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông phục vụ tuyển sinh Đại học và Sau đại học;
- Phối hợp với các bộ phận chức năng trong trường thực hiện nhiệm vụ được giao;
- Thực hiện chế độ báo cáo công tác của đơn vị theo quy định của Trường
- Thực hiện tốt các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Hiệu trưởng.
2. Về lịch sử và mục tiêu đào tạo của Khoa Kinh tế
a) Về lịch sử đào tạo chuyên ngành Quản lý kinh tế
Trong lịch sử phát triển của Trường, chuyên ngành Kinh tế - Kế hoạch thương nghiệp (gọi tắt là Kinh tế thương nghiệp) - tiền thân của chuyên ngành Kinh tế thương mại và Quản lý kinh tế (thuộc ngành Kinh tế) hiện nay bắt đầu đào tạo bậc đại học từ năm 1965 (từ Khoá 1) do Khoa Kinh tế thương nghiệp quản lý. Trong quá trình đổi mới tổ chức bộ máy và phát triển các chuyên ngành đào tạo của Trường, chuyên ngành Kinh tế thương nghiệp tạm dừng đào tạo từ năm 1994 đến năm 2000 (từ khoá 26 đến 34). Đến năm 2000 (từ khoá 35) chuyên ngành Kinh tế thương mại (thuộc ngành Kinh tế) được khôi phục đào tạo trở lại (theo Quyết định số 4650/ĐH của Bộ Giáo dục & Đào tạo ngày 22/05/1999 cho phép Trường Đại học Thương mại tuyển sinh trở lại chuyên ngành Kinh tế thương mại), từ năm 2016 (tức là từ Khoá 52) chuyên ngành Kinh tế thương mại được đổi thành chuyên ngành Quản lý kinh tế (thuộc ngành Kinh tế).
b) Về mục tiêu đào tạo chuyên ngành Quản lý kinh tế
Mục tiêu chung: Đào tạo cử nhân kinh tế có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt; nắm vững những kiến thức cơ bản và hiện đại về kinh tế - xã hội; có năng lực chuyên môn sâu về phân tích và quản lý kinh tế, có khả năng phân tích, hoạch định chính sách, tổ chức quản lý và giải quyết các vấn đề kinh tế ở các cấp độ khác nhau của nền kinh tế quốc dân và tại doanh nghiệp.
Mục tiêu cụ thể:
- Đào tạo cử nhân kinh tế có sức khỏe tốt, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, ý thức phục vụ cộng đồng;
- Đào tạo đội ngũ cử nhân kinh tế có kiến thức cơ bản và hiện đại về kinh tế - xã hội nói chung, đặc biệt là có những kiến thức và kỹ năng chuyên môn chuyên sâu về phân tích và quản lý kinh tế;
- Đào tạo đội ngũ chuyên gia có khả năng tham gia phân tích, hoạch định, tham mưu, tư vấn chính sách, tổ chức quản lý và giải quyết các vấn đề kinh tế tại các loại hình doanh nghiệp, trong quản lý nhà nước về kinh tế ở các cấp độ, lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân; Đội ngũ nhà nghiên cứu, giảng viên cho các cơ sở đào tạo về kinh tế và quản lý kinh tế;
- Đào tạo đội ngũ cử nhân có năng lực làm việc độc lập, tự chủ và làm việc theo nhóm hiệu quả; có khả năng học tập suốt đời, học tiếp các chứng chỉ nghề nghiệp, theo học các chương trình đào tạo sau đại học về kinh tế, kinh doanh và quản lý.